Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 sáng 1-6.
Phiên họp đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tốt hơn tháng 4, đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Kết quả, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng 4; bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỉ giá, lãi suất có xu hướng ổn định.
Đáng chú ý, cả nước đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và chuẩn bị được 680.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định. Thu hút FDI đạt 11 tỉ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỉ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỉ USD, tăng 7,8%, cao nhất từ năm 2020 tới nay.
Các ý kiến cũng đánh giá công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, song lòng tin của các nhà đầu tư vẫn được củng cố, tăng cường.
Tuy vậy, Thủ tướng nhìn nhận sức ép kiểm soát lạm phát, tỉ giá còn cao; sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khó khăn vướng mắc thị trường bất động sản chậm được giải quyết; tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội rất chậm. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao…
Một trong nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại, theo người đứng đầu Chính phủ, là do tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Vì vậy Thủ tướng cho rằng chúng ta phải hoàn thiện thể chế, minh bạch, động viên, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm. Cùng với đó tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Trọng tâm của chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5%. Quán triệt phải triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.
Ngoài ra là việc tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.
Với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Cùng với đó là việc tiếp tục xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt – Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2.
Việc cải cách tiền lương theo các nghị quyết của trung ương, Quốc hội cũng được giao thực hiện kỹ lưỡng, theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định. Đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1-7 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù.