Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp tắc ruột do bã thức ăn lớn ở dạ dày sau khi ăn hồng ngâm cho bệnh nhân T.V.C (59 tuổi, ở Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình). Bệnh nhân nhập viện với tình trạng đau bụng, bí trung đại tiện. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân ăn 3 trái hồng ngâm, sau đó đau bụng âm ỉ thượng vị, rồi đau bụng từng cơn tăng dần, bí trung đại tiện.
Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn, chỉ định phẫu thuật mở bụng làm tan bã thức ăn ở ruột non, đẩy bã thức ăn xuống đại tràng và mở dạ dày lấy bã thức ăn. Ca phẫu thuật thành công. Sau 6 ngày hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, đã ăn uống và đi lại nhẹ nhàng.
Tắc ruột do bã thức ăn: Nguyên nhân và dấu hiệu
Tắc ruột do bã thức ăn là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, đa số cần phẫu thuật. Hiện tượng này xảy ra khi khối bã thức ăn (nguồn gốc thực vật, động vật, lông tóc…) hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống tắc ruột non. Đa phần do ăn thực phẩm nhiều tanin (hồng ngâm, ổi, sung…) và thực phẩm khó tiêu, nhiều chất xơ (măng, mít…). Tanin và chất xơ gặp môi trường axit trong dạ dày sẽ kết tủa, vón lại. Những người đã từng phẫu thuật cắt dạ dày, người già, trẻ em dễ bị tắc ruột do bã thức ăn. Dấu hiệu cảnh báo gồm đau bụng (đột ngột, dữ dội, tăng dần), chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện.
Điều trị và phòng ngừa tắc ruột
Đa phần trường hợp tắc ruột do bã thức ăn cần phẫu thuật cấp cứu, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Người có triệu chứng đau, chướng bụng bất thường không nên tự ý mua thuốc uống mà cần đến cơ sở y tế. Để phòng ngừa, không nên ăn quá nhiều trái cây có vị chát, không ăn chúng lúc đói hoặc chung với thức ăn nhiều đạm; tránh nuốt trực tiếp thức ăn cứng, dai; nấu chín, ninh nhừ và nhai kỹ thức ăn; người già, trẻ em cần chọn thực phẩm mềm dễ tiêu; tập thể dục đều đặn; uống đủ nước.