Theo các chuyên gia, bệnh lý tim mạch và chuyển hóa là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Hội nghị Khoa học Tim mạch lần thứ nhất: Cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng điều trị
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa. Các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh này đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.
Các bệnh lý tim mạch cũng được mệnh danh là những “kẻ sát nhân thầm lặng”. Diễn biến trong âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh. Vì vậy, theo PGS Hiền, hội nghị lần này là dịp để những người làm trong chuyên ngành tim mạch cùng trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đang được ứng dụng trong lĩnh vực điều trị các bệnh tim mạch.
Các báo cáo được trình bày tại hội nghị liên quan đến cập nhật chẩn đoán xử trí đột quỵ não, mô hình quản lý suy tim mạn…
Những biểu hiện có thể bạn mắc bệnh tim mạch:
– Khó thở, nhất là xảy ra trong khi nằm, khi hít thở sâu, cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực.
– Nặng, tức ngực: Người bệnh cảm thấy đau thắt ngực ở vùng dưới xương ức, thời gian kéo dài cơn đau khoảng 10 phút và thường xuyên tái diễn.
– Khả năng gắng sức kém: Hụt hơi, mệt mỏi sau khi làm bất cứ hoạt động nào và thường xuyên diễn ra tình trạng này là triệu chứng điển hình của bệnh lý về tim.
– Chóng mặt: Người mắc bệnh tim cũng có thể cảm thấy nhìn mờ, chóng mặt hoặc mất thăng bằng trong giây lát vì tim không đủ sức để bơm máu đi tới các cơ quan.
– Ho trong thời gian dài: Hầu hết các trường hợp ho mạn tính có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ gặp các vấn đề về tim hay có tiền sử bệnh tim thì cần chú ý đến triệu chứng này, đặc biệt là ho về đêm hay khi gối đầu thấp.
– Rối loạn nhịp tim: Người bệnh cảm giác như tim bị hụt mất một nhịp hay đập nhanh hơn bình thường khi vui hay lo lắng quá mức là điều bình thường nhưng nếu nó kéo dài trong vài giờ hoặc thành cơn tái diễn nhiều lần trong ngày thì có thể là triệu chứng rối loạn nhịp tim.
– Sưng chân: Sưng ở bất cứ vị trí nào của chân cũng có thể xuất phát từ việc tim bơm máu không hiệu quả khiến cho máu ứ đọng ở tĩnh mạch và dẫn đến sưng phù. Ngoài ra, suy tim cũng khiến cho việc đào thải ion natri và chất lỏng của thận khỏi cơ thể giảm xuống, kết quả là phù nề chi dưới lan nhanh từ mắt cá chân.