Ngày 7/6, đại diện Sở Y tế Lai Châu cho biết 5 người đang được theo dõi các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nôn, bác sĩ nghi ngờ họ bị ngộ độc nấm.
Theo điều tra dịch tễ, 7 người gồm bà và 6 cháu nhỏ, ở bản Phìn Khò, huyện Mường Tè, chiều 31/5 hái nấm trên nương mang về lán để nấu canh ăn tối. Vài giờ sau bữa ăn, bé 9 tuổi và 11 tuổi đau đầu, chóng mặt, đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Bốn cháu còn lại đau bụng ít và buồn nôn. Đến khoảng 0h ngày 1/6, bé 9 tuổi nôn ra máu và tử vong. Hai ngày sau bé 11 tuổi cũng mất với tình trạng tương tự.
Hai trẻ đều qua đời trên lán nương, gia đình không thông báo chính quyền mà tự chôn cất. Trưa 3/6, công an xã nhận được thông tin, đưa 5 người còn lại đến Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cấp cứu. Mẫu nấm còn lại được gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm xác định nguyên nhân. Hiện tại, 5 bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định.
Việt Nam ghi nhận khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài chứa độc tố gây chết người. Để phòng ngộ độc nấm, Sở Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên nếu không biết nấm độc hay không. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu, tuyệt đối không dùng nấm lạ, kể cả nấm màu trắng.
Thực tế cho thấy nấm độc cũng có thể bị nhầm với loại ăn được, do trong một vài giai đoạn phát triển chúng có hình dạng giống nhau. Ngoài ra, Sở Y tế khuyến cáo không hái nấm non để ăn do chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ có độc hay không. Cũng không ăn nấm quá già, không ăn loại nấm khi cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.
Khi bị ngộ độc nấm, nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời để tránh các di chứng như suy gan, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.