Dự báo được Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng nêu tại phiên họp kinh tế – xã hội tháng 5 của UBND TP HCM chiều 31/5. Theo đó, GRDP quý II có khả năng chỉ tăng trên 6%, thấp hơn mức 6,54% đạt được vào quý I.
Nguyên nhân là kinh tế của thành phố 5 tháng đầu năm duy trì tích cực nhưng chưa chuyển biến rõ rệt, một số lĩnh vực có tín hiệu giảm. Ví dụ, tiêu dùng và xuất nhập khẩu chậm lại, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 10,2% trong khi quý I trên 12%. Dù du lịch và lữ hành tăng tốt, doanh thu dịch vụ ăn uống giảm liên tục đầu năm đến nay.
Trong cùng giai đoạn, cấp phép thành lập doanh nghiệp mới và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng trưởng về số lượng nhưng giảm về quy mô vốn đăng ký. Theo ông Hoàng, điều này thể hiện tâm lý thận trọng trong đầu tư sản xuất.
“Môi trường kinh doanh 5 tháng qua chưa cải thiện, cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 7 rời thị trường, tốt hơn quý I nhưng thấp hơn mức cả nước (10:6)”, ông Hoàng nhận định.
Giải ngân đầu tư công cũng chậm lại. Kho bạc nhà nước TP HCM cho hay trong tháng 4 và 5, không tuần nào giải ngân được 200 tỷ đồng. Trong khi đợt thi đua 60 ngày đêm cuối năm ngoái mỗi ngày giải ngân 2.000 tỷ đồng. Vào cuối quý I, mỗi ngày từng giải ngân 700-1000 tỷ.
Sản xuất công nghiệp 5 tháng cao nhất 3 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho hay doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng quý II và bắt đầu có đơn quý III nhưng sức ép rất lớn về chuẩn xanh. “Nếu không khắc phục sẽ thiếu đơn hàng quý IV, mất cơ hội cuối năm và chịu sức ép lớn về giá”, ông Hòa nói.
Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế TP HCM thời gian tới, Cục trưởng Thống kê cho rằng tiêu dùng nội địa vẫn phải là động lực chính, thông qua các chương trình kích cầu mua sắm, các giải pháp chỉnh trang, sắp xếp, hỗ trợ hệ thống chợ truyền thống vượt qua khó khăn.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng trụ cột năm nay dựa vào tăng trưởng nội địa. Chương trình kích cầu sắp tới của thành phố sẽ diễn ra 2 đợt với thời gian tổng cộng 4-5 tháng, đang nhận sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất có chương trình đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nâng cao năng suất lao động tại địa phương.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 dự báo thế giới và Việt Nam năm nay, thậm chí năm sau vẫn còn giai đoạn trì trệ. Do đó, “khe hẹp” để TP HCM vượt lên thách thức là tìm cách giải bài toán tiêu tiền.
“Trọng tâm nhất là nhà nước có tiền không tiêu được. Vấn đề là làm sao tiêu được tiền. Nếu không có tiền bơm ra thì không kích được tổng cầu, kinh tế không phát triển”, ông nói. Theo đó, ông Lịch nhấn mạnh tập trung quan tâm đầu tư công vì tiền ra càng nhanh sẽ tạo hiệu ứng cấp số nhân, tác động kinh tế càng lớn.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế khuyến nghị tiếp tục cải thiện hiệu quả làm việc của các cơ quan hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ và vướng mắc cho doanh nghiệp. “Nếu không thay đổi đặc biệt và đột phá trong vận hành thì không thể vươn lên”, ông Lịch nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế địa phương 5 tháng qua đã có cố gắng và tín hiệu tích cực, như chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện, dịch vụ vẫn giữ được tăng trưởng hai con số.
Cùng với đó, tín dụng tiếp tục cải thiện, doanh thu từ bất động sản tăng, thu ngân sách 6 tháng dự báo vượt tiến độ. Đây là những kết quả có ý nghĩa và phản ánh nỗ lực của đầu tàu kinh tế thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Mãi cũng chỉ ra đầu tàu kinh tế còn “bệnh trầm kha” là sụt giảm đầu tư, quy mô doanh nghiệp cũng là dấu hiệu giảm, giải ngân đầu tư công chậm và chi thường xuyên có dấu hiệu giảm.
Do đó, từ tháng 6 phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoảng 70.000 vốn đầu tư công còn lại. “Cần tập trung triển khai các dự án trọng điểm, nhanh chóng đưa vào sử dụng các công trình, tập trung hơn nữa cải cách hành chính”, ông Mãi nói.