“Đất nước này sẽ chứng kiến một chương mới với những quyết định lớn lao. Đây là sự đảm bảo của tôi”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 4.6 phát biểu trong tuyên bố chiến thắng cuộc tổng tuyển cử.
Việc Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA), gồm đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi và nhiều đảng nhỏ, giành chiến thắng là điều đã được dự báo. Song điều bất ngờ là BJP lại không thể giữ đa số ghế tại quốc hội như trong hai kỳ bầu cử năm 2014 và 2019. Liên minh NDA giành được 290 ghế trong số 543 vị trí nghị sĩ quốc hội, vượt yêu cầu 272 ghế để có quyền thành lập chính phủ, nhưng vẫn kém xa so với mục tiêu ban đầu là 400 ghế, theo Đài CNN.
BJP năm nay chỉ giành được 240 ghế, qua đó phải dựa vào liên minh để giữ thế đa số. Đây được cho là đòn giáng mạnh vào vị thế của Thủ tướng Modi sau một thập niên cầm quyền. Ở chiều ngược lại, Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) đối lập do đảng Quốc đại lãnh đạo có thành công ngoài mong đợi với 232 ghế. Đài ABC News dẫn lời ông Milan Vaishnav, Giám đốc chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), nhận định: “BJP bây giờ có thể phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của những đảng đồng minh, biến vai trò các đảng này trở nên quan trọng và họ có thể đòi quyền lợi trong việc hoạch định chính sách hay lập chính phủ”.
Trong hai nhiệm kỳ của ông Modi, đất nước với 1,4 tỉ dân đã trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm đầu thế giới, cũng như có những bước tiến vượt bậc về lĩnh vực công nghệ và vũ trụ. Ông Modi từng đề cập về tầm nhìn của Ấn Độ trong 1.000 năm tới và muốn biến quốc gia Nam Á thành nước phát triển vào năm 2047.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tồn tại tình trạng nghèo đói và thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, cùng khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Giới phê bình cũng cho rằng 10 năm cầm quyền của ông Modi đã dẫn đến sự phân cực tôn giáo ngày càng sâu sắc, khi BJP và cá nhân vị thủ tướng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Hindu, phần nào khiến cộng đồng Hồi giáo tại nước này với hơn 200 triệu dân không được chú tâm, theo CNN. Ông Neelanjan Sircar, một thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại thủ đô New Delhi, nhận định kết quả bầu cử ngày 4.6 là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà lãnh đạo vẫn đang được yêu mến, nhưng nhiều cử tri dần mất thiện cảm với ông Modi.
Sức nóng phả vào Thủ tướng Modi không chỉ diễn ra tại chính trường Ấn Độ mà còn là tình cảnh hiện nay của đất nước. Cuộc bầu cử kéo dài 6 tuần diễn ra trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm tại một số vùng. Reuters đưa tin ít nhất 33 người, bao gồm nhân viên tại điểm bỏ phiếu, thiệt mạng do sốc nhiệt hồi tuần trước. Một số thành phố và tiểu bang Ấn Độ có kế hoạch chống nóng, ít nhất là trên giấy tờ. Tuy nhiên, tờ The New York Times dẫn kết luận của một phân tích độc lập vào năm ngoái, nêu rõ các khu vực trên hầu như không được cấp vốn, thiếu những cách thức cụ thể để xác định và bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Chính quyền ông Modi những năm gần đây đã chịu sức ép từ các tổ chức nông dân, với nguyên nhân một phần đến từ biến đổi khí hậu. Hơn một nửa dân số Ấn Độ sống dựa vào nghề nông, trong khi tình trạng nước ngầm đang thiếu hụt tại nhiều vùng nông nghiệp quan trọng gây khó khăn cho sản xuất, đẩy nông dân vào tình cảnh nợ nần chồng chất.
Vào năm 2020, hàng trăm ngàn nông dân đã kéo về New Delhi để biểu tình phản đối việc chính phủ thúc đẩy đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, có thể gây giảm sinh kế khi nông sản hạ giá. Trong năm nay, các cuộc biểu tình lại xuất hiện, với lý do là yêu cầu chính phủ đảm bảo giá gạo và lúa mì để tránh tình trạng nông dân chịu lỗ trong sản xuất.
Ấn Độ có nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng lại chưa tạo được nhiều việc làm ngoài ngành nông nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực và đáp ứng nhu cầu từ lực lượng trẻ. Giải quyết vấn đề nông nghiệp trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu có thể là một trong những thách thức lớn nhất với ông Modi ở nhiệm kỳ tới, khi nông dân là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế và có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả bỏ phiếu.