Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua học thuyết hạt nhân mới, nêu rõ các trường hợp Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử. Học thuyết khẳng định vũ khí hạt nhân chỉ mang tính phòng thủ và việc sử dụng chúng là “biện pháp bắt buộc và cuối cùng” để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thời điểm công bố và nội dung sửa đổi gây chú ý, nhất là khi quan hệ Nga-Phương Tây căng thẳng vì chiến sự Ukraine. Học thuyết mới được ban hành hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. Hai thay đổi quan trọng so với phiên bản 2020 cho thấy ông Putin muốn sử dụng lá bài hạt nhân để răn đe Mỹ.
Thứ nhất, học thuyết nêu rõ Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả cuộc tấn công thông thường từ quốc gia phi hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi nước sở hữu vũ khí nguyên tử (khác với phiên bản 2020 chỉ tập trung vào đáp trả tấn công trực tiếp từ bên sở hữu vũ khí hạt nhân). Thứ hai, học thuyết mới hạ thấp ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân, từ “sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa” xuống “mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền và lãnh thổ”.
Điều này ám chỉ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ, nếu coi đó là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Điện Kremlin cho rằng cuộc tấn công vào Nga từ bất kỳ quốc gia nào với sự hỗ trợ của cường quốc hạt nhân là chiến dịch chung. Việc hạ thấp ngưỡng kích hoạt và khả năng đáp trả vào cả cơ sở của Ukraine và các nước hỗ trợ đã làm gia tăng căng thẳng đáng kể.