## Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, Salesforce ghi nhận phiên tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào ngày thứ Năm (30/05), khi cổ phiếu Salesforce ghi nhận phiên tồi tệ nhất trong khoảng 2 thập kỷ. Sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi báo cáo doanh thu không đạt kỳ vọng và triển vọng yếu kém của Salesforce, đồng thời nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/05, chỉ số Dow Jones rớt 330.06 điểm (tương đương 0.86%) xuống 38,111.48 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.6% xuống 5,235.48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1.08% còn 16,737.08 điểm, cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Salesforce bốc hơi 19.7%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2004. Cổ phiếu Nvidia cũng sụt hơn 3%, ghi nhận phiên sụt giảm đầu tiên sau báo cáo lợi nhuận bùng nổ vào tuần trước. Cổ phiếu Microsoft mất hơn 3% trong phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.
Sự suy giảm này đã gây áp lực lên các chỉ số chính do sức ảnh hưởng của các công ty trên thị trường, lấn át sức mạnh ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, mặc dù S&P 500 giảm điểm, nhưng có hơn 360 cổ phiếu thành viên ghi nhận mức tăng. Trong khi đó, chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 tăng 1%. Các chỉ số chính giảm điểm vào ngày thứ Năm trong bối cảnh một tuần giao dịch khó khăn bị rút ngắn do nghỉ lễ. S&P 500 đã giảm 1.3%, còn Nasdaq Composite mất 1.1%, qua đó khiến cả 2 chỉ số này đều đứt mạch 5 tuần tăng liên tiếp. Dow Jones cũng giảm hơn 2%, ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Sự gia tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần này. Lợi suất cao hơn có thể là tin xấu đối với nhà đầu tư chứng khoán, vì chúng làm giảm mức bội số mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho chứng khoán và làm các khoản đầu tư an toàn hơn, chẳng hạn như tín phiếu kho bạc và quý thị trường tiền tệ, trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù lợi suất giảm dưới mức 4.6% vào ngày thứ Năm, nhưng vẫn cao hơn mốc 4.5%, vốn được xem là mức gây ra khó khăn cho chứng khoán. Nhà đầu tư đang hướng đến việc công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 của Mỹ vào ngày 31/05, đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo ước tính của Dow Jones, lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2.7% trong tháng 4, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.