Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, đến cuối năm 2023, tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện tương đối lớn, trên 60.000 tỷ đồng, trong đó có những kiến nghị kéo dài. Nhiều ý kiến lo ngại việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh theo quy định Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán, về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước: Nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị
Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến tận cùng, bao gồm cả các kiến nghị chưa thực hiện lũy kế hàng năm.
Nguyên tắc được ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh là đảm bảo mọi khoản thu chi sai ngân sách Nhà nước phải được thu hồi, không để xảy ra thất thoát.
“Việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước ngoài việc kỷ luật tài chính chưa được thực hiện nghiêm, còn có thể có tác động về hiệu quả kinh tế khi không kịp thời huy động các khoản thu ngân sách Nhà nước, thu hồi kịp các khoản chi sai để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách, giảm bội chi”, Phó tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh,
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nếu để kiến nghị kiểm toán kéo dài, sẽ dẫn đến rủi ro không hoàn thành việc thực hiện được kiến nghị trong các trường hợp như: thất lạc hồ sơ, vướng mắc trong đôn đốc chủ thể có trách nhiệm thực hiện kiến nghị hoặc liên quan đến thực hiện kiến nghị…
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, nhận định hiện nay, nhóm vấn đề còn tồn đọng nhiều nhất sau kết luận của Kiểm toán nhà nước mà không được thực hiện chủ yếu rơi vào nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách.
“Bản thân Kiểm toán nhà nước cũng không thể khắc phục được, mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới đảm bảo cả nước thực thi theo pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế và tài chính”, ông Kiên nói.
Mặt khác, theo Phó tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, có những kiến nghị của cơ quan này không thể thực hiện được do đối tượng thực hiện đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc doanh nghiệp/đơn vị đã phá sản, giải thể, sáp nhập…
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để xử lý những trường hợp trên, do đó, về nguyên tắc, Kiểm toán nhà nước vẫn theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, Kiểm toán nhà nước đang rà soát để đề xuất sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, nghiên cứu quy định cụ thể trong luật về thời hạn thực hiện kiến nghị kiểm toán, thời hiệu của kiến nghị kiểm toán, để xử lý những trường hợp này.
Theo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, nếu các đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước, có thể ngăn ngừa thất thoát ngân sách (Ảnh minh họa: TTXVN).
Cơ quan này cũng sẽ nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời tổ chức, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đúng quy định.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc ban hành quy định, hướng dẫn xử lý đối với các kiến nghị kiểm toán không thực hiện do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như cá nhân, đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân, đơn vị có liên quan bị giải thể, phá sản, chết, mất tích, mất hành vi dân sự…).
Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh đó, theo Kiểm toán nhà nước, cần nâng cao trách nhiệm giải trình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, qua thực tiễn cho thấy, khi có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán triển khai các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã mang lại những kết quả tích cực.
Do đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, là giải pháp quan trọng giúp các kiến nghị kiểm toán được thực hiện đúng, đủ, kịp thời.