Kiểm toán Nhà nước đã công bố thông tin về việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) trong Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022.
Thông tin này cũng được đề cập trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị từ kết quả kiểm toán năm 2023.
Việc thoái vốn của Vinachem khỏi DGC nằm trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020 của Văn phòng Chính phủ, trực thuộc Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vinachem là cổ đông lớn (đồng thời là người có liên quan của người nội bộ) của DGC, sở hữu 15.144.090 cổ phần tương ứng 8,85% tổng số cổ phần đang lưu hành của DGC tại thời điểm 30/9/2021.
Vinachem đã thực hiện giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 8/11/2021 đến ngày 7/12/2021. Tập đoàn đã bán thành công 9.105.000 cổ phiếu DGC và còn lại 6.039.090 cổ phiếu DGC chưa bán hết. Sau đó, Vinachem tiếp tục giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022, nhưng cổ phiếu rao bán không thành công. Vinachem đã thông báo bán tiếp vào tháng 3/2022 và bán xong toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC tương ứng 3,53% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của DGC. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định việc khai thác, thực hiện nghĩa vụ với NSNN về tiền cấp quyền khai thác của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đối với quặng apatit loại I khai thác vượt trữ lượng theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 05/GP-BTNMT. Cụ thể, Apatit Việt Nam đã khai thác quặng nghèo thứ sinh loại IV và sản phẩm có hàm lượng P2O5 xấp xỉ 12% tại Khai trường 10 khu Cam Đường 1 khi chưa có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền.