Sáng 2-6, Tân Hoa xã đưa tin tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt trăng. Đây là một phần trong sứ mệnh 53 ngày bắt đầu từ khi tàu được phóng lên không gian ngày 3-5.
Việc đáp xuống phần tối của Mặt trăng được đánh giá là bước nhảy vọt mới nhất đối với chương trình không gian kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc.
Trung Quốc: Hạ cánh thành công tàu Hằng Nga 6 xuống phần tối của Mặt trăng
Tàu Hằng Nga được phóng lên tại tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngày 3-5 – Ảnh: AFP.
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2 (Queqiao-2), tổ hợp tàu đổ bộ/cất cánh Hằng Nga 6 đã hạ cánh thành công xuống khu vực chỉ định ở lưu vực Nam Cực – Aiken (SPA) trên Mặt trăng.
Sau khi hạ cánh, tàu sẽ thu thập đất và đá trên Mặt trăng, đồng thời thực hiện các thí nghiệm khác tại bãi đáp. Quá trình đó sẽ hoàn tất trong vòng 2 ngày. Tàu thăm dò sẽ sử dụng hai phương pháp thu thập: máy khoan để thu thập mẫu dưới bề mặt và cánh tay robot để lấy mẫu từ bề mặt.
Tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng.
Từ các mẫu vật thu thập được, các nhà nghiên cứu sẽ thiết lập một bản sao giống hệt như khu vực lấy mẫu dựa trên kết quả thu thập được của Hằng Nga 6 về môi trường, sự phân bổ đá và điều kiện đất ở khu vực hạ cánh.
“Sứ mệnh Hằng Nga 6 là sứ mệnh lấy mẫu và trở về đầu tiên của con người từ phần tối của Mặt trăng. Nó liên quan đến nhiều cải tiến kỹ thuật, rủi ro cao và khó khăn lớn”, CNSA tuyên bố.
Đây là sứ mệnh thứ hai của Trung Quốc ở vùng tối của Mặt trăng, khu vực mà trước đây chưa có quốc gia nào đặt chân tới. Khu vực này luôn hướng ra xa Trái đất, khiến việc liên lạc trở nên khó khăn.
Các nhà khoa học cho biết phần tối của Mặt trăng được gọi như vậy vì nó không thể nhìn thấy từ Trái đất chứ không phải vì không bao giờ bắt được tia nắng Mặt trời. Khu vực này ẩn chứa nhiều hứa hẹn cho nghiên cứu vì các miệng hố của nó ít bị dòng dung nham cổ xưa bao phủ hơn.
Vật liệu được thu thập từ phía tối có thể làm sáng tỏ hơn về cách Mặt trăng hình thành.
Tham vọng không gian của Trung Quốc.
Mô phỏng tàu Hằng Nga 6 trong sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng – Ảnh: THX.
Ngoài ra cuộc đổ bộ cũng sẽ nâng cao vị thế cường quốc vũ trụ của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu lên Mặt trăng. Các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang hy vọng khai thác khoáng sản trên Mặt trăng để duy trì các sứ mệnh phi hành gia dài hạn và căn cứ ở đây.
Các kế hoạch “giấc mơ không gian” của Trung Quốc đã được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã đổ nguồn lực khổng lồ vào chương trình không gian trong thập kỷ qua, hướng tới tham vọng thu hẹp khoảng cách với hai cường quốc không gian là Mỹ và Nga.
Nước này đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý, bao gồm cả việc xây dựng một trạm vũ trụ Thiên Cung.
Bắc Kinh cũng đã đưa robot tự hành lên sao Hỏa và Mặt trăng. Trung Quốc cũng là quốc gia thứ ba đưa con người vào quỹ đạo.
Tuy nhiên Mỹ lo ngại rằng chương trình không gian của Trung Quốc đang được sử dụng để che giấu các mục tiêu quân sự và nỗ lực thiết lập sự thống trị trong không gian.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2030 và có kế hoạch xây dựng căn cứ trên bề mặt Mặt trăng. Trong khi đó, Mỹ cũng đang có kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2026 với sứ mệnh Artemis 3.