Sáng 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trong những tháng đầu năm, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong tháng 6 và thời gian tới.
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang tại Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza. Giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng; nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực…
“Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi cục bộ, nhưng những nền kinh tế lớn là thị trường truyền thống của Việt Nam còn khó khăn”, Thủ tướng nhận định.
Trong nước, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể gây tác động lớn đến trong nước.
Kinh tế Việt Nam: Xu hướng tích cực
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4 và trung bình 5 tháng đầu năm đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết lĩnh vực.
Điểm sáng là tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Thách thức và giải pháp
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao; thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn; phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời.
Ông đặc biệt chỉ ra kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; cháy nổ, tội phạm diễn biến phức tạp…
Cần những cơ chế, chính sách, giải pháp gì để tập trung vào lĩnh vực nào? Phải chăng là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hay các chính sách khác? Cơ chế nào, ở đâu, ai cần phải tháo gỡ?
Cần đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, yếu kém mà các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng có 19.800 doanh nghiệp lập mới và quay trở lại hoạt động. Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so tháng trước và tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước; tương đương 19.500 doanh nghiệp/tháng rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2% so cùng kỳ năm trước, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD)…