Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bàn các giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhận định áp lực về tỉ giá, lạm phát do các yếu tố bên ngoài và bên trong, vừa có “cung đẩy, cầu kéo”, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm điều hành là chủ động tấn công, phòng ngự từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, từ cơ sở; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; không cầu toàn, không nóng vội, không điều hành giật cục mà phải linh hoạt; có biện pháp khả thi, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cần tiếp tục kiên trì với hai mục tiêu quan trọng là tăng trưởng đạt mức 6 – 6,5% và chỉ số giá tiêu dùng CPI là 4 – 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ, kiểm soát bội chi, nợ công.
Sản xuất kinh doanh (phía cung) 5 tháng phục hồi tích cực ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc hơn, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 5 tháng cao hơn số rút lui khỏi thị trường.
Các giải pháp trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới; tập trung xử lý dứt điểm một số quy định về hoàn thuế VAT, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc…
Sớm thông qua chủ trương xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, hoàn thiện quy định pháp lý về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; có gói hỗ trợ tăng trưởng xanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất…
Nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu quá trình xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; chính sách này cần thực hiện đồng bộ với dự án.
Tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu: triển khai các chính sách xúc tiến du lịch có trọng tâm, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên không gian mạng…
Kiểm soát lạm phát
Về kiểm soát lạm phát, cần chủ động điều tiết nguồn hàng vào dịp cuối năm, lễ tết để hạn chế tâm lý tăng giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi để tránh các hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo từng tháng, chuẩn bị sẵn phương án điều chỉnh phù hợp, không tăng giá đột ngột và tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cùng thời điểm…
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa để kiểm soát giá
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cao tinh thần phòng ngừa, chủ động, linh hoạt trong điều hành, có phản ứng chính sách kịp thời. Để đẩy mạnh tăng trưởng cần sử dụng các công cụ hợp lý, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn.
Rà soát kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói 120.000 tỉ đồng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các lĩnh vực trọng điểm như điện, giao thông, y tế, giáo dục; xử lý khó khăn, vướng mắc vốn ODA, đảm bảo vật liệu san lấp cho dự án giao thông.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trọng tâm là các ngành công nghiệp, điện, xuất khẩu nông nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh thu hút du lịch, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài…
Đối với kiểm soát lạm phát, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc tập trung đảm bảo lương thực, thực phẩm, tăng cường giảm giá; đa dạng hóa nguồn cung. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; đánh giá kỹ các mặt hàng liên quan lương thực, điện, xăng dầu.
Liên quan tới cung ứng năng lượng, cần đảm bảo nguồn cung, khai thác tối đa thủy điện để giảm giá thành. Triển khai giá điện, xăng dầu nhịp nhàng, hài hòa, tránh tăng giá cùng lúc; giám sát kê khai giá, niêm yết giá.
Đối với việc điều hành giá các dịch vụ như học phí giáo dục, y tế phải cân nhắc phù hợp, nếu còn dư địa mới làm gắn với thời điểm, liều lượng phù hợp. Nghiên cứu các giải pháp giảm, miễn phí, lệ phí cho dân, triệt để tiết kiệm chi…
Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như gas, xăng dầu, điện… đồng loạt tăng đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường vào bước điều chỉnh giá mới.