Giai đoạn vòng bảng Euro 2024 đã khép lại, các cặp đấu của vòng 1/8 cũng như nhánh đấu của vòng đấu loại trực tiếp đã được xác định. Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức và Hà Lan, Italy, Anh sẽ loại nhau trên đường tiến vào trận chung kết tại Berlin ngày 15/7.
Các cặp đấu vòng 1/8 gồm: Đức – Đan Mạch (02h00 ngày 30/6); Tây Ban Nha – Georgia (02h00 ngày 1/7); Pháp – Bỉ (23h00 ngày 1/7); Bồ Đào Nha – Slovenia (02h00 ngày 2/7); Thụy Sĩ – Italy (23h00 ngày 29/6); Anh – Slovakia (23h00 ngày 30/6); Romania – Hà Lan (23h00 ngày 2/7); Áo – Thổ Nhĩ Kỳ (02h00 ngày 3/7). 4 cặp đấu đầu tiên tạo thành nhánh đấu thứ nhất đi vào chung kết, nhánh đấu thứ hai là 4 cặp đấu còn lại.
Biểu diễn trên đồ họa, dễ nhận thấy nhánh đấu đầu tiên chứng kiến sự quy tụ của hàng loạt ông lớn. Giả dụ phác họa hành trình vào chung kết của đội tuyển Pháp.
Tại vòng 1/8, đối thủ của Les Bleus là đội tuyển Bỉ. Nếu vượt qua “Quỷ đỏ châu Âu”, đối thủ chờ đợi Kylian Mbappe và các đồng đội tại tứ kết nhiều khả năng là tuyển Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo.
Đến bán kết, xác suất rất cao thầy trò Didier Deschamps phải đụng độ Tây Ban Nha hoặc Đức, hai đội bóng thi đấu ấn tượng nhất vòng bảng. La Roja và Die Mannschaft sẽ phân tài cao thấp tại tứ kết, nếu như lần lượt vượt qua Georgia và Đan Mạch. Hành trình như vậy thật không thể nào chông gai hơn và xứng đáng được ví là nhánh đấu tử thần.
Điều kỳ lạ nữa là đa số ông lớn thi đấu ấn tượng tại vòng bảng (Tây Ban Nha, Đức) hoặc được đánh giá cao (Pháp, Bồ Đào Nha) đều quy tụ tại nhánh đấu đầu tiên. Nhánh thứ hai lại là sự hiện diện của những gã khổng lồ gây thất vọng, bao gồm Hà Lan, Italy và Anh.
Những ông lớn này thi đấu thiếu ấn tượng tại vòng bảng nhưng khá may mắn rơi vào nhánh đấu được đánh giá dễ thở hơn.
Ngoài ra, nhánh đấu thứ hai còn được chú ý bởi cuộc thư hùng giữa hai chú ngựa ô gây ấn tượng bậc nhất tại vòng bảng. Đó là màn chạm trán giữa đội tuyển Áo đứng nhất bảng D và Thổ Nhĩ Kỳ đứng nhì bảng F, chỉ kém đội đầu bảng Bồ Đào Nha về hiệu số bàn thắng bại. Dưới đây là những phân tích kỹ hơn về từng cặp đấu.
Chủ nhà Đức đã trở lại với hình hài của một ông lớn sau nhiều giải đấu lớn liên tiếp thất bại. Die Mannschaft cũng không còn là “cỗ xe tăng” cục mịch, lầm lì mà trở nên hiện đại, tân kỳ, với khả năng tấn công cực kỳ ấn tượng.
Thống kê chỉ ra, 10 cầu thủ Đức đã góp công trực tiếp (kiến tạo hoặc ghi bàn) trong 3 trận đấu vòng bảng. Lực lượng “cỗ xe tăng” là sự giao hòa giữa Jamal Musiala và Florian Wirtz, cặp tấn công biên 21 tuổi đầy tài năng, cùng những lão tướng dạn dày kinh nghiệm và vẫn duy trì được đẳng cấp hàng đầu như Ilkay Gundogan, Thomas Muller hay Toni Kroos.
Quan trọng hơn hết, HLV Julian Nagelsmann biết cách điều khiến “cỗ xe tăng” hủy diệt này.
Đội tuyển Đức dẫn đầu giải đấu về số pha dứt điểm tung ra mỗi lần cầm bóng (0,18), đứng đầu về tỷ lệ kiểm soát bóng (68,8%), đứng đầu về tỷ lệ chuyền bóng thành công (92,4%) và số lần chạm bóng ở cuối sân (270).
Huyền thoại chuyền bóng Toni Kroos đã tung ra tới 85 đường chuyền tiến công (Progressive Passes), cao ít nhất gấp đôi bất cứ cầu thủ nào khác tại giải (và xếp thứ hai là trung vệ Antonio Rudiger, với 37 đường chuyền).
Sự tươi mới của cỗ xe tăng Đức cũng được thể hiện qua tốc độ và cường độ chơi bóng. Không đội bóng nào có tỷ lệ PPDA (passes per defensive action – số đường chuyền đối phương thực hiện trước khi thực hiện hành động phòng ngự) cao hơn các học trò của HLV Nagelsmann tại vòng bảng.
Nôm na, các cầu thủ Đức chỉ cho phép đối phương thực hiện trung bình 8,8 đường chuyền trước khi thực hiện hành động phòng ngự.
Thông số này cho thấy, không đội bóng nào gây áp lực tầm cao (high-press) quyết liệt bằng tuyển Đức. Kết quả là 5 bàn thắng của Die Mannschaft tại vòng bảng là thành quả của các pha đoạt bóng bên phần sân đối phương.
Tuy nhiên, “Cỗ xe tăng” không phải không có yếu huyệt. Tại vòng bảng, tuyển Đức là đội ít bị bắn phá nhất (5,3 pha dứt điểm/trận) nhưng hễ đối phương sút bóng là khung thành chao đảo. Ở trận đấu với Hungary, thủ thành Neuer có nhiều pha cản phá xuất sắc, với 3 tình huống ngăn chặn những cú sút từ cự ly dưới 7m.
Trong khi đó, Thụy Sĩ chỉ tung ra 4 pha dứt điểm nhưng vẫn có một bàn thắng, từ pha dứt điểm ở cự ly 5m của Dan Ndoye. Vì thế, có thể thấy, hàng phòng ngự Đức tương đối lỏng lẻo và thi thoảng lại mắc sai lầm chết người. Nếu “Những chú lính chì” Đan Mạch thi đấu lì lợm và biết cách rình rập thời cơ, biết đâu bất ngờ sẽ xảy ra.
Ít nhất trên mặt trận phòng ngự, Đan Mạch có những cái tên khá đáng tin, với kinh nghiệm trận mạc dày dạn như thủ môn Kasper Schmeichel, các trung vệ Joachim Andersen ( Crystal Palace), Andreas Christensen (Barcelona) và Jannik Vestergaard (Leicester City).
Trên hàng công, Đan Mạch không phải là đội tạo được nhiều cơ hội ngon ăn cũng như bắn phá khung thành đối phương thường xuyên, nhưng cái cách Christian Eriksen hay Hjulmand ghi bàn vào lưới Slovenia và Anh cho thấy họ biết cách chớp thời cơ.
Georgia là hiện tượng thú vị của Euro 2024. Ngay lần đầu tham dự vòng chung kết châu Âu, đội bóng này đã đánh bại Bồ Đào Nha của Ronaldo để giành vé vào vòng 1/8.
Không thể đòi hỏi gì hơn nữa ở đội hình chỉ có 3 cầu thủ đang chơi bóng tại 5 giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu. Đó là ngôi sao Khvicha Kvaratskhelia (Napoli), tiền đạo Georges Mikautadze (Metz) và thủ thành Giorgi Mamardashivili (Valencia).
Điều đáng nói, ba niềm hy vọng của bóng đá Georgia đều tỏa sáng rực rỡ. Kvaratskhelia là nguồn cảm hứng, là tác giả bàn mở tỷ số trong chiến thắng địa chấn trước Bồ Đào Nha. Mikautadze dẫn đầu danh sách “Vua phá lưới” với 3 bàn thắng và một kiến tạo.
Còn Mamardashivili có lẽ là thủ môn xuất sắc nhất giải cho đến nay, khi cản phá 21 trên tổng số 25 pha dứt điểm trúng đích từ đối phương.
Tuy nhiên, hành trình kỳ diệu của Georgia có lẽ sắp phải dừng lại. Đối thủ của Kvaratskhelia và đồng đội là Tây Ban Nha, đội bóng duy nhất toàn thắng tại vòng bảng và vươn lên trở thành ứng cử viên vô địch hàng đầu.
Với lối chơi phối hợp nhỏ uyển chuyển (Tiqui-taca), La Furia Roja (Cơn lốc đỏ) vẫn là đội bóng có khả năng kiểm soát bóng đáng nể bậc nhất. Các học trò của HLV Luis de la Fuente có tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên tới 89%, xếp thứ hai về số lần dẫn bóng tiến công (Progressive Carries) và đứng thứ tư về số đường chuyền tiến công (Progressive Passes).
Tuy nhiên, Tây Ban Nha không còn là những kẻ “tử vì đạo” và lệ thuộc vào tiqui-taca. La Roja thi đấu trực diện hơn, tốc độ hơn, với sự xuất sắc của cặp tấn công “tuổi trẻ tài cao” Lamine Yamal và Nico Williams.
Gần một nửa (34 trên 75) tình huống một đối một của La Roja do bộ đôi này thực hiện. Williams là điểm đến của 22 trong số 104 đường chuyền tiến công trong khi các pha mở bóng ra biên phải cho Yamal luôn là yếu tố đột biến.
Có chăng, Tây Ban Nha vẫn thiếu nhân tố đâm sâu vào hàng phòng ngự đối phương và lười dứt điểm. Trước Georgia luôn chơi phòng ngự phản công từ đầu giải, HLV Luis de la Fuente phải tìm ra phương cách để cải thiện 2 điểm hạn chế này.
Dựa trên tên tuổi, trận đấu đáng chú ý nhất ở vòng 1/8 là cuộc thư hùng giữa hai quốc gia láng giếng là Pháp và Bỉ. Cả hai đội bóng đều sở hữu nhiều ngôi sao trong đội hình, biết cách áp đảo đối phương về thế trận và… vô duyên trước khung gỗ.
Đơn cử như Bỉ, De Bruyne và các đồng đội như Trossard, Tielemans, Jeremy Doku đạt tỷ lệ kiểm soát bóng 58,3% và tung ra 16 pha dứt điểm mỗi trận, đều là những thông số cao thứ ba tại vòng bảng. Tuy nhiên, trong tổng số 48 cú sút tung ra ở 3 trận, với tổng cơ hội thành bàn lên tới 4,4xG (xG – bàn thắng kỳ vọng), “Quỷ đỏ” chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn.
Trung phong Romelu Lukaku tiếp tục là biểu tượng hài hước cho sự vô duyên. Tiền đạo này được đồng đội cung cấp cho 1,7xG cơ hội ghi bàn nhưng không thể ghi bàn, mặc dù có 3 bàn không được công nhận. Bên phía tuyển Pháp, Mbappe khá khẩm hơn chút ít với bàn thắng trên chấm phạt đền nhưng cũng phung phí tới 1,2xG.
Griezmann thì có chung lời nguyền với Lukaku, khi tung ra 8 pha dứt điểm, tổng 1,8xG, nhưng vẫn chưa ghi được bàn nào. Ousmane Dembele gần như mất hút. Randal Kolo Muani và Kingsley Coman lại không được ra sân. Thật khó hình dung, ai sẽ ghi bàn trong trận đại chiến này nếu các chân sút cứ vô duyên như vậy.
Bồ Đào Nha đang thể hiện tính sáng tạo cực cao, với những chân chuyền hàng đầu châu Âu hiện nay như Bernardo Silva, Bruno Fernandes, Vitinha, Rafael Leao, Joao Cancelo.
Tuy bất ngờ để thua Georgia ở lượt trận cuối, thực tế Seleccao là đội giành vé sớm nhất nếu tính theo số phút. Sau khi ngược dòng đánh bại CH Séc ở lượt trận đầu tiên, Bồ Đào Nha chỉ mất 30 phút để giải quyết hiện tượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong 2 trận này, Bồ Đào Nha phát động 176,5 tình huống tiến công (chuyền bóng hoặc dẫn bóng), 229 lần chạm bóng ở cuối sân, những con số khổng lồ chỉ có tuyển Đức là ngang ngửa. Bên cạnh đó, hàng phòng ngự được tổ chức vững chãi dưới sự kết hợp giữa Ruben Dias và Pepe.
Tuy nhiên, vấn đề của Bồ Đào Nha là C.Ronaldo. CR7 vẫn là sát thủ có khả năng đánh hơi bàn thắng hàng đầu. Vì ghi bàn là yếu tố quan trọng, nên đây là điểm cộng cho lão tướng 39 tuổi này. Song, vì sự hiện diện của Ronaldo, Bồ Đào Nha phải xây dựng hệ thống xoay quanh và phục vụ tượng đài của bóng đá thế giới này.
Điều đáng nói, ngoài đánh hơi bàn thắng, C.Ronaldo không làm gì khác. Không tham gia phòng ngự, không hoán chuyển vị trí và CR7 giành luôn quyền đá phạt của Bruno Fernandes, mặc dù tiền vệ của Man Utd có cảm giác bóng tốt hơn trên điểm cố định.
Thất bại trước Georgia, việc C.Ronaldo vẫn “mắc màn” trọn vẹn 90 phút trong khung thành đối phương là cảnh báo dành cho Bồ Đào Nha.
Trước đối thủ Slovenia chỉ may mắn lết qua vòng bảng bằng 3 trận hòa, có thể Seleccao chưa phải trả giá vì sự “tham quyền, cố vị” của C.Ronaldo và ngôi sao Al Nassr có thể sẽ có bàn thắng đầu tiên ở Euro 2024. Tuy nhiên, nếu chạm trán Pháp hay Bỉ, câu chuyện sẽ khác.
Italy đã bị loại cho đến khi Mattia Zaccagni bỗng dưng tỏa sáng ở phút 90+8 để đem về trận hòa 1-1 trước Croatia ở lượt trận cuối vòng bảng. Trước đó, Azzurri cũng tỏ ra khá chuệch choạc, khi để Albania chọc thủng lưới chỉ sau 23 giây và bị Tây Ban Nha áp đảo hoàn toàn.
Tất nhiên, mục tiêu của vòng bảng chỉ là giành vé chứ không phải tạo ra những màn trình diễn ấn tượng và lịch sử Euro chứng kiến không ít đội bóng “chết hụt” rồi tiến rất xa. Tiêu biểu là trường hợp Bồ Đào Nha năm 2016.
Dù vậy, đoàn quân thiên thanh quả thực không để lại ấn tượng gì đáng kể. Italy chỉ ghi 3 bàn tại vòng bảng, với số cơ hội ăn bàn rõ rệt lẫn số pha dứt điểm cực kỳ hạn chế. Có chăng, hàng phòng ngự còn để lại đôi chút ấn tượng, đặc biệt là cặp trung vệ Bastoni và Riccardo Calafiori.
Nhìn chung, Italy không phạm sai lầm nhưng cũng không biết cách tạo đột biến. Thế nên, chưa chắc Azzurri có thể đánh bại được Thụy Sĩ đang trưởng thành vượt bậc.
Đó là đội bóng không có ngôi sao nhưng nhiều cầu thủ dày dạn kinh nghiệm và được quản lý, vận hành hiệu quả. 8 tuyển thủ Thụy Sĩ đã thi đấu ít nhất 240/270 phút tối đa tại vòng bảng và tất cả đều từ 27 tuổi trở lên.
Và tương tự đối thủ, Thụy Sĩ vững vàng trong phòng ngự, chắc chắn về thế trận nhưng không quá bùng nổ trên mặt trận tấn công, khi chỉ tung ra 10 pha dứt điểm mỗi trận tại vòng bảng (xếp thứ 18).
Đặc biệt trước đối thủ trên cơ, đội bóng này luôn bị lép vế. Trong trận gặp Đức, Thụy Sĩ chỉ tung ra vỏn vẹn 4 pha dứt điểm trong cả trận. Nếu át vía được Thụy Sĩ, đối thủ tiếp theo của Italy có thể là Anh.
Tương tự như Italy, Anh là ông lớn chịu nhiều chỉ trích vì màn trình diễn đáng thất vọng tại vòng bảng. Tuy thi đấu nhạt nhòa nhưng “Tam sư” thậm chí còn đứng đầu bảng. Tất nhiên, khi đã vào tới vòng đấu loại trực tiếp, thầy trò Southgate không thể “nhạt nhòa” thêm nữa.
Nguyên nhân khiến tuyển Anh bị chỉ trích là hàng công với sự hiện diện của Harry Kane, Phil Foden, Jude Bellingham và Bukayo Saka lại chẳng thể thi đấu bùng nổ và ghi cả tá bàn thắng vào lưới đối phương. Như đã đề cập, điều đó liệu có cần thiết tại vòng bảng, khi mục tiêu chỉ là giành vé vào vòng trong?!
Vì mải tập trung vào câu chuyện chỉ trích hàng công, giới mộ điệu dường như quên mất rằng hàng phòng ngự đội tuyển Anh thi đấu cực kỳ vững chãi và ổn định. Trong 3 trận đấu, “Tam sư” chỉ phải nhận 26 pha dứt điểm, với tổng xác suất “lưới rung” chỉ là 1,1xG. Bàn thua duy nhất đến từ cú “nã đại bác” xuất thần của Morten Hjulmand (xG: 0,02).
Cặp hậu vệ biên Kieran Trippier (71,4%) và Kyle Walker (66,7%) giành chiến thắng ít nhất 2/3 số pha tranh chấp tay đôi, và chỉ số này của trung vệ John Stones là 63,6%. Ngoài ra, hàng thủ tuyển Anh giành chiến thắng hầu hết các tình huống không chiến.
Muốn chiến thắng thì tấn công, muốn đăng quang phải biết phòng ngự, đây chính là công thức nằm lòng cho mọi nhà vô địch. Dưới góc nhìn chuyên gia, nên nhớ tuyển Anh vẫn được xếp vào vị trí ứng cử viên số một. Và một Slovakia chỉ giành vé nhờ vị trí thứ ba có lẽ chưa đủ để cản bước “Tam sư”.
Trái ngược sắc áo rực rỡ, Hà Lan đang có màn trình diễn trung bình về mọi mặt tại Euro 2024. Số cú sút mỗi lần kiểm soát bóng? Đứng thứ năm trong tấn công và thứ 17 trong phòng ngự. Trung bình xG mỗi cú sút? Đứng thứ 18 trong tấn công và thứ 9 trong phòng ngự.
Lối chơi kiểm soát bóng của Hà Lan cũng khá tốt, đứng thứ 11 về kiểm soát bóng và thứ 9 về tỷ lệ chuyền bóng chính xác. Họ đứng thứ 14 về số lần cướp bóng thành công và thứ 11 về số lần mất bóng. Họ trên mức trung bình ở các chỉ số tấn công và chỉ hơi dưới mức trung bình ở phòng ngự.
Hà Lan vẫn có Virgil van Dijk ở hàng thủ, và những cầu thủ tấn công như Memphis Depay, Cody Gakpo và siêu dự bị Wout Weghorst đều thi đấu hiệu quả. Tuy nhiên, đội bóng này khó lòng tiến xa, vì không giỏi hơn đội bóng khác về bất cứ điều gì.
Ít nhất Đức, Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha và Pháp cầm bóng hiệu quả hơn. Bỉ, Pháp, Đức và kể cả Áo tổ chức pressing (gây áp lực) xuất sắc hơn. Tây Ban Nha, Pháp và nhiều đội bóng khác ngăn chặn đối phương tấn công tốt hơn.
Hà Lan không có điểm mạnh cụ thể. Và Romania, một trong những bất ngờ tại vòng bảng (đứng nhất bảng E), có thể tận dụng cơ hội để nối dài hành trình kỳ diệu.
Không có những tên tuổi lớn, nhưng cuộc chạm trán này rất thú vị để chờ đợi. Dưới sự dẫn dắt của HLV Ralf Rangnick, “Bố già Gegen-press”, đội tuyển Áo trở thành đội bóng gây áp lực và chơi bóng cường độ cao cực kỳ ấn tượng.
Hà Lan và Ba Lan đều bị đội bóng này hạ gục sau 90 phút khốn khổ vì bị vây ráp. Tuyển Pháp cũng chỉ có được chiến thắng nhờ khoảnh khắc lóe sáng cá nhân.
Tuy nhiên, cần nói thêm, tuyển Áo đã khá may mắn khi chỉ nhận 4 bàn thua, dù phải hứng chịu hàng tá cú sút với bàn thắng kỳ vọng lên tới 5,4xG. Nhìn chung, việc chơi bóng áp lực cường độ cao gây ra sai sót cho cả đôi bên.
Đây là con dao hai lưỡi mà đội tuyển Áo đang sử dụng. Thần may mắn đang đứng về phía thầy trò HLV Rangnick nhưng chẳng biết khi nào quay lưng.
Đối thủ của đội tuyển Áo cũng là một trong những chú ngựa ô đáng chú ý nhất tại vòng bảng. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hầu hết các chỉ số tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong top 10: số cú sút mỗi lần kiểm soát bóng (thứ 8), xG mỗi cú sút (thứ 8), tỷ lệ chuyền bóng chính xác ở khu vực tấn công (thứ 4), và số lần chạm bóng ở cuối sân (thứ 5).
Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra những trận đấu cởi mở, kịch tính và từ đó đem đến nhiều khoảnh khắc đẹp đẽ. 5 cầu thủ đã ghi bàn, 3 cầu thủ có ít nhất một pha kiến tạo. Tiêu biểu là siêu phẩm của tài năng trẻ Arda Guler, cầu thủ đang khoác áo Real Madrid. Thủ quân Hakan Calhanoglu cũng đóng góp một bàn và dẫn đầu toàn đội về số lần chạm bóng, chuyền bóng và dứt điểm.
Điều đáng nói, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tấn công mà còn tạo cơ hội để đối phương tấn công. Đội bóng này đã ghi được 5 bàn thắng nhưng cũng để thủng lưới 5 bàn (xếp thứ 18) từ các cú sút có tổng giá trị xG là 4,8 (xếp thứ 20).
Họ xếp thứ 19 về số cú sút bị đối phương thực hiện mỗi lần kiểm soát bóng (0,13) và đã để đối phương có 8 lần sút bóng với ít nhất 0,2 xG, ngang bằng với Georgia, cao nhất trong giải đấu. Vì thế, cuộc so tài giữa hai chú ngựa ô Áo và Thổ Nhĩ Kỳ thật sự thú vị.