Theo Science Alert, các nhà khoa học vừa tìm thấy hộp sọ của một loài chim còn nhiều bí ẩn, đại diện cho nước Úc thời cổ đại đầy những quái điểu khổng lồ.
Nó là Genyornis newtoni, được nhóm nghiên cứu mô tả là “con vịt ác quỷ của ngày tận thế”.
Phát hiện hộp sọ hóa thạch của loài quái điểu Genyornis newtoni
Chân dung loài quái điểu được tái hiện dựa trên hộp sọ hóa thạch – Ảnh: ĐẠI HỌC FLINDERS
Đây là hộp sọ thứ hai của loài Genyornis newtoni được ghi nhận, nguyên vẹn, thậm chí có các khớp nối.
Hộp sọ đầu tiên giúp loài này được đặt tên trong hồ sơ cổ sinh vật học được khai quật từ năm 1913 nhưng bị tàn phá nghiêm trọng nên không giúp mô tả đầy đủ chân dung con quái điểu.
Nghiên cứu mới tiết lộ Genyornis newtoni là một loài chim rất oai phong, với chiều cao lên tới 2,25 m và nặng khoảng 230 kg, dù phần đầu – cổ thì trông giống phiên bản ác quỷ của một con vịt hay ngỗng béo mập.
Hóa thạch cho thấy nó có một hộp sọ khổng lồ, hàm lớn và một đỉnh xương hình tam giác được gọi là casque trên hộp sọ, rất khác biệt so với các họ hàng gần.
“Genyornis newtoni có hàm trên cao và di động giống như loài vẹt nhưng có hình dáng giống con ngỗng, há miệng rộng, lực cắn mạnh và khả năng nghiền nát các loại cây và trái cây mềm trên vòm miệng” – đồng tác giả Phoebe McInerney từ Đại học Flinders (Úc) mô tả.
Việc quét 3D để tái tạo chân dung loài quái điểu đồng thời cũng tiết lộ cách mà nó đã tiến hóa để thích nghi với môi trường sống trong khu vực.
Cấu trúc tai của nó phát triển theo cách tự bảo vệ khỏi nước mỗi khi chúi đầu chìm xuống nước. Cấu trúc mỏ mang lại sự bảo vệ tương tự cho cổ họng, trong khi hình dạng mỏ thì phù hợp cho việc nắm giữ và xé đứt thực vật thủy sinh.
Nếu đúng như vậy, các đặc điểm trên có thể giúp giải thích tại sao quái điểu này bị tuyệt chủng: Vào mốc 45.000 năm trước, môi trường nước ngọt đã trở nên mặn, hệ sinh thái đáng kể và sinh vật mất đi nguồn thức ăn thuận lợi.
Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm kiếm thêm nhiều hóa thạch của Genyornis newtoni để hiểu hơn về nó.