Trận mưa lớn ở miền Bắc những ngày qua đã khiến nhiều địa phương thiệt hại nặng cả về người và tài sản. Trong cơn lũ ở Hà Giang, xuất hiện những hành động đẹp, những câu chuyện nhân văn.
Kể về chuyến đi không thể quên, chị Ngọc Điệp, 47 tuổi, ngụ TP.HCM cho biết, sau nhiều năm lên kế hoạch du ngoạn miền núi phía Bắc, chị cùng con gái và hai người bạn đặt vé máy bay ra Hà Nội, sau đó bắt xe khách đến TP Hà Giang rồi thuê xe máy tự khám phá.
Tại Hà Giang, đoàn 4 người dự định đi lên Đồng Văn rồi đến Mèo Vạc, khám phá đèo Mã Pì Lèng, làng người H’Mông rồi về lại TP Hà Giang.
Theo kế hoạch đó, ngày 8-6, họ đến Đồng Văn, lúc này thời tiết ổn nhưng rồi tất cả thay đổi chỉ sau một buổi tối, hôm 9-6, ngày họ di chuyển đến huyện Mèo Vạc cũng là thời điểm bắt đầu trận mưa liên tục không ngớt.
“Hôm đó trời mưa suốt, đi đường sạt lở nhiều nơi, nước từ nhiều đỉnh đồi đổ xuống đường chúng tôi đi. Mỗi lúc qua điểm sạt lở, chị em chúng tôi ai cũng sợ, mặt tái mét”, chị Điệp nhớ lại.
Ngày thứ hai tại Hà Giang, đoàn của chị Điệp lúc này đang ở huyện Mèo Vạc, tham quan đèo Mã Pì Lèng, rồi đi đến làng của H’Mông vẫn trong điều kiện trời mưa.
Đêm 9-6, đoàn ngủ lại ở homestay làng người H’Mông, sáng hôm sau, trời vẫn mưa tầm tã. Đến khoảng 10 giờ, khi mưa giảm, chị Điệp nhờ người ở homestay hỏi thăm tình hình đường xá để về TP Hà Giang và bốn người đi xe máy trở lại thành phố.
Thế nhưng, trên đường về thì gặp lũ lớn và mắc kẹt rồi được lực lượng CSGT đưa người qua điểm sạt lở và tiếp tục di chuyển về TP Hà Giang.
“Lần đầu tiên chúng tôi có những trải nghiệm này, lúc đầu những điểm sạt lở mới xảy ra nên vẫn đi qua được, nhưng sau đó thì tắc luôn. Nhất là đoạn qua đèo Mã Pì Lèng sạt lở rất nhiều. Đây là trải nghiệm quá đáng nhớ, bốn người chúng tôi ai cũng sợ, run, mặt đứa nào cũng tái mét”, chị Điệp vẫn chưa quên trải nghiệm ở Hà Giang.
Đoàn bốn người của chị Điệp chỉ là một trong số nhiều du khách được lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc giải cứu, đưa đến nơi an toàn.
Theo thống kê của huyện này, có đến vài trăm du khách, trong đó nhiều nước ngoài cũng bị mắc kẹt cùng thời điểm và sau đó được đưa qua vùng sạt lở để về TP Hà Giang an toàn.
Là một người dân sinh sống ở TP Hà Giang, nơi xảy ra trận ngập sâu, anh Phạm Tuyên cho biết, rất lâu rồi nơi đây bị ngập như lần này. Trận lũ gây thiệt hại nặng về tài sản cho người dân, nhiều người không kịp di dời tài sản đến nơi an toàn, ô tô ngập nước…
Cũng trong những ngày này, hình ảnh lực lượng công an, dân quân phục vụ nhân dân, dầm mình dưới nước lũ, hỗ trợ người dân di dời tài sản khiến anh Tuyên cảm động.
“Trong hai ngày qua, nhiều lần tôi cũng mọi người giúp nhau di dời tài sản đến nơi an toàn nhưng vất vả nhất vẫn là lực lượng công an, quân đội, dân quân. Có những đoàn dầm mưa cả ngày để giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ” – anh Tuyên nói.
Đồng cảm trước những khó khăn, vất vả mà lực lượng chức năng hỗ trợ người dân, nhiều người đã tiếp tế nước, bánh, sữa để tiếp sức các lực lượng chiến đấu với nước lũ, bảo vệ nhân dân.
Theo ghi nhận, đến sáng nay, 11-6, mưa đã ngớt, lũ ở Hà Giang đang rút dần, lực lượng chức năng tỉnh này vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa sau những ngày bị ngập lụt.
Câu chuyện chiến sĩ CSGT huyện Mèo Vạc dũng cảm nhảy xuống dòng nước lũ cứu người dân đã tạo nên hình ảnh tuyệt vời về người chiến sĩ Công an nhân dân.
Theo tin từ Bộ Công an, khoảng 17 giờ, ngày 10-6, Tổ công tác của Đội CSGT trật tự – Công an huyện Mèo Vạc ứng trực hỗ trợ người dân và du khách vận chuyển hành lý do bị mắc kẹt từ hôm trước, tại đoạn Km 06 đoạn Suối Cạn, đường xuống sông Nho Quế 1 và đi 3 xã biên giới gồm Thượng Phùng, Sơn Vĩ, Xín Cái.
Thời điểm này, tổ công tác phát hiện có 3 công dân của xã Thượng Phùng đang vượt qua dòng nước chảy xiết và bị trôi theo dòng nước.
Phát hiện sự việc, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an huyện Mèo Vạc đã nhảy xuống dòng nước lũ, cứu kịp thời 2 người bị nước cuốn trôi, đưa vào bờ an toàn, còn 1 người khác bám được vào tảng đá giữa dòng suối.
Thượng úy Tường cùng đồng đội đã dùng áo mưa quấn lại để người dân bám vào đưa lên bờ an toàn.
Ba người dân này là một gia đình với chồng là Sùng Mí Dính (43 tuổi), vợ là Vừ Thị Thò (44 tuổi) và con trai Vừ Mí Pó (19 tuổi, cùng ngụ thôn Lủng Chu, xã Thượng Phùng). Thời điểm gặp nạn, họ đang trên đường trở về nhà sau khi đi làm thuê. Hiện cả 3 người sức khỏe đã ổn định, được Tổ công tác đưa vào nhà dân tại xã Pả Vi ở tạm.