## Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng
Sáng 31/5, Quốc hội sẽ nghe báo cáo Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về nội dung này.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc xây dựng dự thảo nghị quyết lần này nhằm sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách để thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng. Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất thí điểm thêm các cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết 119.
“Việc này sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển TP Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, ông Cường nhấn mạnh.
## Kỳ vọng lớn khi thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Dự thảo Nghị quyết lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù theo 2 nhóm với 30 chính sách. Nhóm 1 gồm 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Nhóm 2 gồm 21 chính sách đặc thù được đề xuất thí điểm để phát triển thành phố Đà Nẵng.
Một trong những chính sách mới được địa phương đề xuất là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng. Theo đại biểu Trần Chí Cường, đây là một trong năm chính sách trọng tâm của dự thảo nghị quyết trình Quốc hội lần này.
## Thu hút nhà đầu tư chiến lược trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bên cạnh Khu thương mại tự do, một chính sách khác mà Đà Nẵng hết sức kỳ vọng là việc hình thành, phát triển công nghiệp bán dẫn. Ông Cường cho biết, thế giới đang có sự chuyển dịch về loại hình này. Việt Nam có điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn nhưng chưa phát triển được nhiều, chưa đạt kỳ vọng, mong muốn và chưa khai thác hết tiềm năng.
Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định nên cần thu hút chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới đến Việt Nam và Đà Nẵng nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp. Chính phủ đang trình xây dựng Đề án đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho phát triển ngành bán dẫn.
Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách với một số cơ chế mang tính chất đặc thù để phát triển công nghiệp chất bán dẫn, trong đó tập trung vào việc thiết kế, kiểm thử, đóng gói – những khâu hết sức quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn. Việc sản xuất chíp bán dẫn cũng là một trong những yếu tố được quan tâm trong chính sách này để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong phát triển công nghiệp bán dẫn.