Dù có vài lần gây tiếng vang, nổi bật là thành tích giành hạng 3 ở V-League 2018, nhưng chu kỳ tồn tại của CLB Khánh Hòa tại ở V-League ngày một ngắn dần. Cụ thể, từ 7 mùa (V-League 2006 đến 2012) giảm còn 5 mùa (2015 đến 2019) và giờ là 2 mùa (2023 đến 2023-2024).
Thiếu nền móng tài chính vững chắc là nguyên nhân lớn nhất cho thất bại của bóng đá Khánh Hòa. Gắn bó đầu tiên với Tổng công ty Khánh Việt từ năm 2004, CLB Khatoco Khánh Hòa vô địch Giải hạng nhất 2005 và giành quyền tham dự V-League 2006. Nhưng sau 8 năm gắn bó, Khatoco rút lui sau khi đội bóng suýt rớt hạng ở V-League 2012. Suất V-League 2013 được chuyển giao cho CLB Hải Phòng, còn đội Khánh Hòa thì giải thể.
Bóng đá Khánh Hòa làm lại từ đầu ở Giải hạng nhì 2013. Đội bóng được giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa và đổi tên thành Sanna Khánh Hòa Biển Việt Nam. Đội 2 năm thăng 2 hạng, lên chơi ở V-League 2015. Nhưng chỉ 4 năm, đội lại rớt hạng. Yến Sào Khánh Hòa cũng rút lui sau đó. Tự lực cánh sinh bằng nguồn ngân sách hạn chế, CLB Khánh Hòa cũng trở lại V-League 2023.
Sự có mặt của nhà tài trợ mới ngoài tỉnh những tưởng đem đến một sức bật mới cho bóng đá Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm gắn bó, nhà tài trợ ra đi vì khó khăn, để lại khoản nợ lớn tiền lót tay, tiền thuế, tiền bảo hiểm xã hội. CLB Khánh Hòa suýt rớt hạng ở V-League 2023. Và giờ thì rớt hạng sớm khi Công ty Yến sào Khánh Hòa, doanh nghiệp được giao nuôi đội bóng, cũng bất lực trong việc giải quyết những khoản nợ cũ. Tài khoản CLB bị phong tỏa dẫn đến tiền lương không thể trả. Điều này khiến thầy trò HLV Trần Trọng Bình đua trụ hạng trong bất lực.
Tương lai khó đoán
Rớt hạng vào năm ngoái nhưng chỉ sau một mùa ở Giải hạng nhất 2023-2024, CLB SHB Đà Nẵng đã giành quyền trở lại sân chơi V-League sớm trước 3 vòng đấu. CLB Khánh Hòa có làm được điều tương tự sắp tới hay không? Một câu hỏi khó bởi không có nền móng tài chính là rào cản lớn cho CLB Khánh Hòa. Việc Công ty Yến sào Khánh Hòa có tiếp tục gắn bó với đội sau khi rớt hạng hay không cũng chưa có gì bảo đảm.
Hiểu cái khó của bóng đá tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã thành lập “Quỹ phát triển bóng đá Khánh Hòa” nhằm san sẻ gánh nặng về kinh phí nuôi đội bóng. Nhưng trái ngược với kỳ vọng thu được 25 tỉ đồng, đến nay quỹ chỉ thu được 8,5 tỉ đồng, đủ để chi trả 50% tiền lót tay đầu mùa cho cầu thủ và trả phân nửa cho khoản nợ 4,5 tỉ đồng tiền thuế và bảo hiểm xã hội từ nhà tài trợ cũ. Hiện tại đã thế, thật khó để kỳ vọng vào một sự thay đổi khi CLB Khánh Hòa xuống chơi ở Giải hạng nhất 2024-2025.
Ở CLB Khánh Hòa hiện tại, không ai “nếm trải” cảm giác buồn và bất lực nhiều như trợ lý Lê Tấn Tài. Khi còn thi đấu, Tấn Tài là một trong những cầu thủ phải ra Hải Phòng thi đấu khi CLB Khánh Hòa chuyển giao suất V-League 2013. Lăn lộn bao năm, qua nhiều CLB, khi Tấn Tài trở lại giúp bóng đá quê hương trong vai trò trợ lý thì đội bóng rớt hạng. Nhìn đội bóng quê hương ngày càng tắt dần hy vọng trụ hạng, Tấn Tài chỉ có thể động viên các cầu thủ cố gắng thi đấu vì tương lai của mình.
“Đá nốt mấy trận cuối rồi giải thể”, câu viết của CĐV Khánh Hòa trên fanpage của CLB Khánh Hòa trước trận đấu với CLB Hà Nội nghe thật chua xót. Giải thể hay không thì chưa biết. Nhưng để có thể tồn tại và mong ngày trở lại thật mạnh mẽ, bóng đá Khánh Hòa cần lắm một cuộc cải tổ để không còn phải ám ảnh bởi câu chuyện “cơm áo gạo tiền”…