Anh Minh, một chuyên gia đang làm việc tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc thuộc 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội, sẽ không thể quên được ngày oi ả đầu hè 2024. Vừa về đến văn phòng, điện thoại của anh báo có 12 cuộc gọi nhỡ, trong đó có 8 cuộc gọi từ người thân trong gia đình báo tin mẹ anh bị đột quỵ. Gia đình gọi anh về gấp để đưa mẹ anh đi cấp cứu cho kịp thời gian vàng.
Đó không phải lần đầu tiên chiếc iPhone 14 Promax của anh Minh bị mất sóng. Điện thoại của nhiều chuyên gia, nhân viên khác cũng hóa cục gạch khi ở Khu CNC Hoà Lạc. Tình trạng sóng viễn thông chập chờn, thậm chí không có sóng viễn thông gây ức chế về tâm lý làm việc, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả trao đổi thông tin giữa những người đang làm việc tại nơi được kỳ vọng là thành phố khoa học thông minh của Hà Nội và cả nước.
Hạ tầng viễn thông tại Khu CNC Hòa Lạc chưa đáp ứng nhu cầu
Hiện nay, nhiều chuyên gia, cán bộ, người lao động phải trông cậy vào các ứng dụng liên lạc OTT như Zalo, Viber, Messenger để liên lạc với đồng nghiệp đang làm việc cùng trụ sở, hoặc với gia đình và các mối quan hệ khác. Tuy vậy, việc liên lạc ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ nếu ra khỏi khu vực có wifi.
Hơn 20 ngày trước, một phụ nữ đã nêu bức xúc này khi gặp Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động Khu CNC Hoà Lạc. Tình trạng tín hiệu sóng điện thoại yếu và không có sóng điện thoại di động tại khu vực này đã làm hạn chế, gián đoạn liên lạc trong công việc và xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Trao đổi với VietTimes, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, cho biết đã nắm được việc này trước hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch TP. Thậm chí, chính khu vực trụ sở của Ban Quản lý cũng xảy ra tình trạng đó. Ông Trung thừa nhận đây là hạn chế của Khu CNC Hoà Lạc trong bối cảnh cần thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Ban Quản lý đã làm việc nhiều lần với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, sau đó các trạm BTS đã được lắp thêm nhưng việc này chưa được giải quyết dứt điểm. Theo lý giải của Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, việc sóng viễn thông chập chờn do cả lý do chủ quan và khách quan.
Trong đó, lý do khách quan là khu vực Hoà Lạc địa hình bán sơn địa, nhiễu động về thời tiết nên sóng di động cũng bị ảnh hưởng rất mạnh. Còn lý do chủ quan, là việc nhà mạng phân bố các trạm BTS chưa theo được với đúng yêu cầu của thực tiễn. Có những khu vực nhu cầu sử dụng thực tế cao nhưng đầu tư của nhà mạng chưa theo kịp.
Theo dự đoán của ông Trung, các nhà mạng chưa đầu tư lắp các trạm BTS, các thiết bị tiếp sóng tại khu vực này vì liên quan bài toán cân đối đầu tư và lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu tư trạm BTS rất cao mà doanh thu không thể bù đắp được.
Ông Trung cũng cho biết thêm sau buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với các nhà đầu tư, Ban Quản lý đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng theo tiến độ xây dựng và hoạt động của Khu CNC Hoà Lạc.
Trong công văn, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đề nghị VNPT có biện pháp tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ cũng như xác định rõ trách nhiệm và phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông, đồng thời có các giải pháp phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị viễn thông khác trong việc cho thuê lại hạ tầng cống bể, cáp quang đã được đầu tư từ dự án ODA.
Ông Trung cho biết dù chưa có đánh giá về thiệt hại đối với doanh nghiệp phải hoạt động trong bối cảnh hạ tầng cơ bản chưa được đáp ứng nhưng chắc chắn việc liên lạc bị ngắt quãng sẽ gây phiền hà, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả giao dịch, làm thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Ban Quản lý sẽ đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội can thiệp để xử lý dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo các doanh nghiệp trong Khu CNC Hoà Lạc được hoạt động ổn định.
Trao đổi với VietTimes về vấn đề doanh nghiệp nêu ra, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đang phối hợp đo kiểm viễn thông của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cả về chất lượng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập Internet.
Khảo sát bước đầu, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá việc sóng viễn thông không ổn định tại khu vực Hoà Lạc do số lượng các trạm thu phát sóng di động BTS của các nhà mạng còn hạn chế, chưa có các trạm tiếp sóng, không có thiết bị kích sóng tại các khu vực nhà xưởng.
Hiện có khoảng 11 trạm BTS, trong đó VinaPhone có 4 trạm, Viettel có 4 trạm, Mobifone có 3 trạm. Vietnamobile có 3 trạm cung cấp dịch vụ cho toàn bộ khu vực Hoà Lạc.
Trước đó, giữa tháng 5/2024, trước ý kiến doanh nghiệp phản ánh mạng viễn thông tại Khu CNC Hoà Lạc chập chờn, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và triển khai đầu tư hạ tầng trạm BTS, đường truyền băng thông rộng, tốc độ cao, khắc phục những vấn đề viễn thông di động đang tồn tại ở Khu CNC Hoà Lạc.
Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội đề nghị, trước mắt đối với những vị trí sóng yếu, sóng lõm cần thiết phải bổ sung hạ tầng trạm BTS, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với Ban Quản lý để triển khai các phương án, giải pháp kỹ thuật (Hệ thống IBS In Building System, Small Cell) đảm bảo vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng di động trong toàn bộ tòa nhà, khu vực.
Cùng với đó, Sở cũng đề nghị nghiên cứu, ưu tiên triển khai mạng 5G tại Khu CNC Hòa Lạc với tốc độ truy nhập Internet tối thiểu 1Gb/s; Hạ tầng Internet vạn vật (IoT) độ trễ thấp sẵn sàng tại tất cả các khu CNC, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo: Phát triển mạng 5G.
Tuy nhiên, trao đổi với VietTimes, một doanh nghiệp viễn thông cho rằng sẽ có nhiều trở ngại để hoàn thiện việc triển khai mạng 5G ở Khu CNC Hoà Lạc trong bối cảnh hiện nay nếu không có sự chỉ đạo sát sao, rốt ráo của UBND TP. Hà Nội.