Sáng nay, thành Đoàn TP HCM tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo UBND thành phố với thiếu nhi tiêu biểu.
Tại đây, Nguyễn Tấn Hào, trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân, băn khoăn liệu chương trình giáo dục mới có thực sự giảm tải không khi nhiều học sinh lớp 6, 7, 8 vẫn than thở học quá nhiều, không có thời gian vui chơi.
Học sinh TP HCM: Băn khoăn về chương trình học mới, mong muốn giảm tải
“Qua khảo sát của em với nhiều bạn lớp 6, 7, 8 thì đa phần câu trả lời là bài rất khó, không thể nắm bắt kiến thức trên lớp, phải đi học thêm. Chúng em đang phải tiếp thu một lượng kiến thức quá nhiều”, Hào nói.
Nam sinh lấy ví dụ với lớp 6, hết kỳ I, học sinh phải học xong kiến thức môn Hóa, chuyển sang Vật lý rồi đến Sinh học. Lên lớp 7, học sinh tiếp tục theo trình tự Hóa, Lý, Sinh khiến các em không nhớ nổi kiến thức cũ. Ngoài ra, một số yêu cầu được đặt ra còn cao hơn trình độ học sinh. Trong khi đó, giáo viên phải dạy cả 2, 3 môn dù được đào tạo để dạy đơn môn.
“Giáo viên trước đây chỉ dạy Lý giờ phải dạy thêm Hóa và Sinh. Người dạy Sử thì phải thêm môn Địa và ngược lại”, Tấn Hào nói. Từ đó, Hào đề xuất xem xét lại việc dạy tích hợp 3 môn Khoa học tự nhiên.
Tấn Hào phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo thành phố, sáng 1/6. Ảnh: Minh Hiệp
Em Nguyễn Khánh Vân, lớp 8, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, cho rằng chương trình mới hướng tới việc học ít, hiểu nhiều. Nhưng thực tế, em và các bạn cảm nhận chương trình không thống nhất, vẫn còn nặng. Theo em, một số môn được sắp xếp 3 tiết liền, gây quá tải, học nhưng không nhớ bài.
Tương tự, Hồ Nguyễn Bảo Ngọc, trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7, mong muốn các cấp quản lý giảm tải chương trình để các em chỉ cần học ở trường, không cần đi học thêm.
Trước đó, thành Đoàn và Hội đồng Đội cho biết qua khảo sát 14.400 thiếu nhi, 2/3 ý kiến nói lo lắng nhất hiện nay là điểm số, thời gian học quá nhiều.
Giải đáp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói chương trình phổ thông mới đã giảm nhẹ kiến thức hàn lâm, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực là chủ yếu.
“Một số học sinh nhận định chương trình mới nặng, thầy sẽ tiếp thu và cho rà soát, cùng làm việc với các quận, huyện, trường học để thầy cô giáo dạy đúng theo định hướng chương trình đã đặt ra”, ông cho hay.
Giám đốc Sở cho biết cách đây một năm đã đề nghị thầy cô giáo thay đổi cách kiểm tra đầu giờ, tránh gây áp lực cho học sinh, không yêu cầu đọc, ghi nhớ thuộc lòng. Thầy cô phải đánh giá, nhận xét cả quá trình, thông qua phát biểu trong giờ học, bài tập, dự án.
Về việc dạy học tích hợp, môn Khoa học tự nhiên bao hàm kiến thức Lý, Hóa, Sinh là xu hướng chung trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu giải đáp các thắc mắc của học sinh, sáng 1/6. Ảnh: Lệ Nguyễn
Trước ý kiến của học sinh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị Sở Giáo dục cùng Hội đồng Đội tiếp thu, xác định các vấn đề có thể giải quyết.
“Từ ý kiến của các em với tư cách của người học, đề nghị Sở Giáo dục đánh giá lại việc dạy học tích hợp, tổ chức tập huấn để thầy cô dạy tốt”, ông Mãi yêu cầu.
Một vấn đề khác được Chủ tịch thành phố lưu ý là giáo dục STEAM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán học) cần được triển khai rộng rãi, chất lượng, giúp học sinh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, ông gợi ý ngành giáo dục tập trung vào ba vấn đề để xây dựng trường học hạnh phúc: Xây dựng trường lớp xanh, sạch; An toàn học đường; Tổ chức thêm hoạt động ngoại khóa.
Theo ông Mãi, vấn đề bạo lực học đường rất khó giải quyết triệt để nhưng phải kiên trì, ít nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh trong khuôn viên trường.