Tàu thuyền đang dùng nhiên liệu sạch hơn để giảm ô nhiễm không khí, nhưng lại khiến mây giảm khả năng phản xạ ánh sáng Mặt Trời ra không gian.
Việc tàu thuyền sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm đã thúc đẩy tình trạng ấm lên toàn cầu, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment hôm 30/5. Theo đó, việc ngành vận tải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp từ năm 2020 có thể khiến tốc độ ấm lên tăng gấp đôi (hoặc hơn) trong thập kỷ này, thậm chí góp phần gây ra mức nhiệt kỷ lục trong năm qua.
Tàu thuyền sạch hơn, Trái Đất nóng hơn?
Nguyên nhân là các hạt tí hon trong chất ô nhiễm lưu huỳnh giúp phản xạ ánh sáng Mặt Trời ra không gian, khiến các đám mây giống gương hơn, tạo ra hiệu ứng làm mát tạm thời trên Trái Đất. Giới khoa học cũng từng dự đoán rằng việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn sẽ làm giảm hiệu ứng phản xạ này và đẩy nhanh quá trình ấm lên, dù chưa rõ mức độ.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia kết hợp các quan sát vệ tinh và bản mô phỏng để ước tính tác động khí hậu khi giảm lưu huỳnh trong nhiên liệu theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) có hiệu lực vào tháng 1/2020. Được đưa ra để hạn chế ô nhiễm không khí, quy định này đã giúp giảm 80% lượng khí thải lưu huỳnh dioxide từ ngành vận tải biển toàn cầu, theo Tianle Yuan, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA.