Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian qua phát triển năng động, thể hiện qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường.
Hai bên đang triển khai hiệu quả thỏa thuận và cơ chế hợp tác, đối thoại. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU cũng phát triển tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 4 nước thành viên EU, đối tác toàn diện với 3 nước và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 3 nước.
Để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ, Đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà cho hợp tác trên tất cả lĩnh vực.
Cần phát huy hiệu quả những cơ chế hợp tác hiện có để triển khai tốt Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, cũng như các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam với các nước EU nhằm tháo gỡ vướng mắc, đề ra biện pháp thúc đẩy hợp tác.
Tăng cường ứng phó với thách thức toàn cầu, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ có tiếng nói thúc đẩy những nước EU chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU sớm phê chuẩn Hiệp định và Ủy ban Châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển, nuôi trồng hải sản bền vững.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối của EU với khu vực, thúc đẩy hợp tác thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN – EU cũng như giữa ASEAN và các nước thành viên EU.
Trao đổi với các Đại sứ, Đại biện về một số vấn đề quốc tế, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì “chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Chủ tịch nước mong muốn các Đại sứ, Đại biện sẽ luôn là cầu nối quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian tới, góp phần sớm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – EU phát triển lên tầm cao mới.
Thay mặt Đại sứ, Đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội, Đại sứ EU Julien Guerrier chúc mừng ông Tô Lâm được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch nước. Đại sứ khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung cũng như tại Đông Nam Á nói riêng.
EU mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư với Việt Nam, coi hợp tác với Việt Nam là hình mẫu cho hợp tác của EU với các nước đang phát triển trên thế giới. EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Chia sẻ đánh giá của Chủ tịch nước về quan hệ Việt Nam – EU, Đại sứ Julien Guerrier khẳng định, hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác như phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn, nông nghiệp, dược phẩm, tư pháp, lao động, quốc phòng an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
EU đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến hợp tác khu vực, nhất là Sáng kiến cửa ngõ toàn cầu. Đại sứ cho biết EU có kế hoạch triển khai một số dự án hợp tác với ASEAN và tại Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến.
Ông Julien Guerrier tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.