Nội dung chất vấn lĩnh vực TN-MT tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Khai thác, sử dụng khoáng sản: Thực trạng và giải pháp
Tính đến tháng 12-2023, cả nước có khoảng gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm gần 3.000 khu vực với tổng trữ lượng được phê duyệt năm 2023 là gần 500 triệu m3; sản lượng khai thác vào khoảng 143 triệu m3.
Với loại khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, đá quý, đất hiếm, bôxit, titan…) thuộc thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ TN-MT theo quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản. Tính đến tháng 12-2023, thống kê trên cả nước, đã cấp 8 giấy phép thăm dò và 62 giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm còn hiệu lực.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ TN-MT và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng với tổng số tiền phê duyệt trên 61.400 tỉ đồng. Về kết quả thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền đã thu được từ năm 2014 đến cuối năm 2023 gần 55.900 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ TN-MT, UBND cấp tỉnh đã đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản, kết quả đấu giá tăng trung bình từ 20-40% so với giá khởi điểm. Số liệu thống kê cho thấy các mỏ đấu giá thành công chủ yếu là: mỏ cát, sỏi (chiếm 68,75%); đá làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm 15,79%; sét, sét gạch ngói chiếm 5,59%.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết giai đoạn 2012-2023, cơ quan này đã tiến hành 256 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 57 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra đối với một số tổ chức.
Định hướng thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu và đánh giá các nguồn nguyên liệu làm cát nhân tạo tại các địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn cát sông, nhằm đảm bảo tính bền vững về nguồn vật liệu xây dựng trong tương lai; sớm thực hiện đề án đánh giá tổng thể tiềm năng đất hiếm; bố trí nguồn ngân sách đảm bảo cho điều tra, đánh giá và thăm dò đầy đủ về tài nguyên, trữ lượng đất hiếm làm cơ sở hoạch định cho các mục tiêu phát triển của đất nước; tiếp tục hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ khai thác, thu hồi, chế biến sâu đất hiếm.
An ninh nguồn nước: Thách thức và giải pháp
Về vấn đề thực hiện chính sách nguồn nước, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.
Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4-2024 khoảng 75 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%. Riêng trong tháng 5-2024 khoảng 11 tỉ m3 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3-2024, sâu vào sông Tiền, sông Hậu khoảng 50-65 km.
Trước tình hình khô hạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2020, Bộ TN-MT đã thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Bàn giao 10 công trình cấp nước sinh hoạt miễn phí với chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang.
Ngoài ra, Bộ TN-MT còn đầu tư các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn, bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển khu vực ven biển.
Bộ TN-MT cũng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các đập, hồ chứa nước lớn, công trình trữ nước phân tán, công trình cấp nước sạch, công trình chống ngập, xử lý và tiêu, thoát nước đô thị; công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên vùng, liên lưu vực…