Thông tin từ CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), những ngày đầu tháng 6 này ngay trước khi mặt trời mọc, người dân ở bắc bán cầu (gồm cả Việt Nam) có thể thấy được 6 hành tinh gần như thẳng hàng nhau trên bầu trời hướng đông.
Ảnh mô phỏng 6 hành tinh thẳng hàng vào 3.6.2024. Lưu ý, sao Hải Vương (Neptune) và sao Thiên Vương (Uranus) đã được cường điệu độ sáng trong ảnh, để chúng ta dễ hình dung vị trí của nó
6 hành tinh thẳng hàng trên bầu trời
Starwalk
Theo đó, sao Mộc, sao Thủy, sao Thiên Vương, sao Hỏa, sao Hải Vương và sao Thổ sẽ như nằm trên một đường thẳng từ chân trời đông bắc lên đến gần đỉnh đầu. Tuy nhiên không phải tất các các hành tinh này đều có thể thấy bằng mắt thường.
HAAC thông tin sáng những ngày 3.6 – 5.6 là thời điểm thuận lợi nhất để quan sát hiện tượng, vì sao Thủy và sao Mộc có khoảng cách đủ xa so với mặt trời để quan sát. Vào sáng ngày 3.6, sao Mộc cũng như sao Thủy sẽ ở sát chân trời đông trước khi mặt trời mọc vài phút, phía bên trên ta có thể thấy được sao Hỏa với màu đỏ đặc trưng, và sao Thổ ở trên cao nhất gần đỉnh đầu.
Trăng lưỡi liềm cuối tháng cũng sẽ xuất hiện bên cạnh các hành tinh này tô điểm thêm sự hội ngộ.
Việt Nam quan sát hiện tượng như thế nào?
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, thời điểm từ 5 giờ đến 5 giờ 15 phút sáng là thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này trước khi mặt trời ló dạng.
“Để quan sát được các hành tinh có độ sáng cao như sao Mộc, sao Thủy, Hỏa Tinh, sao Thổ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng mắt thường để nhận ra chúng như một ngôi sao sáng, bên cạnh đó các hành tinh có đặc tính đặc biệt là hầu như không nhấp nháy so với các ngôi sao thông thường khác”, ông Tuấn nói.
Qua một kính thiên văn nhỏ phổ thông, chúng ta có thể nhận thấy được vành đai của sao Thổ, 4 vệ tinh của sao Mộc, màu đỏ trên bề mặt đặc trưng của sao Hỏa hay dạng khuyết của Thủy tinh.
Bạn có thể phải cần công cụ bản đồ sao cùng với kỹ thuật chụp ảnh để nhận ra sao Thiên Vương và sao Hải Vương HUY HYUNH
Đối với sao Thiên Vương và sao Hải Vương, rất khó để quan sát ngay cả với kính thiên văn nhỏ, bạn có thể phải cần công cụ bản đồ sao cùng với kỹ thuật chụp ảnh để nhận ra chúng trong ảnh chụp như một đốm sáng nhỏ có màu xanh da trời.
Tuy nhiên vào thời điểm đầu tháng 6, sao Mộc và sao Thủy ở vị trí rất sát chân trời, chỉ xuất hiện khi trời đã ửng sáng, nên có thể phải cần tới ống nhòm nhỏ để nhận ra chúng trong làn mây hoặc bụi ô nhiễm ở các thành phố lớn.
Chuyên gia cho biết để có thể quan sát được tốt nhất, chúng ta nên chọn vị trí có thể nhìn thông thoáng sát chân trời đông, càng xa thành phố lớn càng tốt để không bị ảnh hưởng bởi khói bụi sát chân trời. Cũng như các quan sát thiên văn khác, chúng ta cũng cần phải có thời tiết ủng hộ, ngay cả các hành tinh sáng nhất như sao Mộc, sao Thổ cũng khó có thể xuyên qua lớp mây dày.
Hiện tượng có hiếm không? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết khác với đồn đãi trên không gian mạng, hiện tượng các hành tinh thẳng hàng nhau trên bầu trời không quá hiếm. Các hành tinh có chu kỳ chuyển động khác nhau quanh mặt trời và đôi khi chúng sẽ gần nhau, cùng một phía với tâm là mặt trời khi nhìn từ trái đất. “Đây chỉ là hiện tượng thẳng hàng trên bầu trời do phối cảnh góc nhìn từ trái đất, vài năm sẽ diễn ra một lần với các hành tinh khác nhau. Vào giữa tháng 6, sao Thủy sẽ di chuyển sát về hướng mặt trời mà chúng ta sẽ không còn có thể thấy được nó nữa, tuy nhiên sao Mộc sẽ càng ngày càng lên cao xa khỏi mặt trời và hiện tượng 5 hành tinh thẳng hàng sẽ còn diễn ra vài tháng sau đó”, ông Tuấn nói thêm. Ngày 28.8.2024 tới đây sao Thủy sẽ quay trở lại với 5 hành tinh, để tạo ra cảnh 6 hành tinh thẳng hàng một lần nữa. Đặc biệt 28.2.2025 chúng ta có thể thấy được cả 7 hành tinh thẳng hàng theo phối cảnh (Thổ Tinh, Thủy Tinh, Hải Vương Tinh, Kim Tinh, Thiên Vương Tinh, Mộc Tinh và Hỏa Tinh). Với những người mới quan sát, chưa quen vị trí của các hành tinh, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM khuyên người quan sát tải các ứng dụng mô phỏng bầu trời như Starwalk, Skysafari, Stellarium để giúp các bạn tìm kiếm các hành tinh trên bầu trời.